Tôi muốn chia sẻ với các bạn KTS trẻ những suy nghĩ về hoạt động khởi nghiệp kiến trúc tại Việt Nam trong những năm qua và thời kỳ bùng nổ công nghệ số ngày hôm nay.
Những chia sẻ được rút ra từ những trải nghiệm của chính tôi khi khởi nghiệp Nhà Vui từ năm 2000, thêm vào đó là những bài học quản trị doanh nghiệp, cách xây dựng các mô hình kinh doanh trong các ngành công nghiệp truyền thống hay công nghiệp sáng tạo. Và mới đây nhất là những tư tưởng làm chủ (Entrepreneurship) của cộng đồng doanh nhân trẻ Châu Á, ASEAN cũng sôi sục trong những năm qua, điều đó lan tỏa đến Việt Nam và làn sóng khởi nghiệp (Start-up) được bắt đầu khi chính phủ chính thức công nhận năm 2016 là năm khởi nghiệp quốc gia.
Doanh nghiệp kiến trúc trước hết phải là một doanh nghiệp
Giai đoạn đầu thế kỷ 20 cho chúng ta nhận thấy sự tồn tại mô hình các văn phòng KTS (như là một dạng mô hình kinh doanh doanh nghiệp – business model) dựa trên 2 phân loại chính:
– Văn phòng do một KTS sáng lập và là linh hồn chính, thường có quy mô nhỏ gọn, dựa trên thương hiệu và uy tín, phong cách và linh hồn của KTS trưởng văn phòng (Việc này rất phổ biến ở Việt Nam hiện nay)
– Công ty thiết kế do nhiều KTS đồng sáng lập, với sự tham gia của nhiều cộng sự chính, từ 3-5 người là phổ biến, góp chung các sở trường, chia mảng gánh vác và hướng đến một công ty kiến trúc tầm trung, có khả năng phát triển mở rộng, đáp ứng các dự án lớn, các thị trường đa dạng và xây dựng văn hóa team work rất chuẩn mực (Mô hình này mặc dù phổ biến trên thế giới nhưng lại rất hạn chế ở Việt Nam vì sự thực đáng buồn là khả năng hùn hạp kinh doanh của người Việt nói chung và căn hóa đồng sở hữu của KTS Việt Nam nhìn chung là rất hạn chế, chưa khắc phục được những xung đột để phát triển doanh nghiệp lâu dài)
(Hoạt động văn hóa doanh nghiệp của công ty ArchDT)
Đến những thập niên cuối của thế kỷ 20, sự toàn cầu hóa trong kiến trúc trở nên phổ biến, nhiều KTS nổi tiếng và các văn phòng uy tín đã phát triển việc làm của mình lan rộng ra khỏi biên giới quốc gia của họ. Những văn phòng KTS hàng đầu của Mỹ, Âu, Nhật đã có kế hoạch mở rộng thị trường, nguồn nhân lực một cách bài bản. Các văn phòng KTS hàng đầu của Úc, Singapore cũng xem châu Á – Thái Bình Dương như là một sân nhà rộng lớn. Tại triển lãm Kiến trúc quốc tế Vietarc 2009 lần đầu do Hội KTS Việt Nam lần đầu tiên, trong vai trò trưởng ban tổ chức, tôi đã vui mừng nhận thấy sự “xâm chiếm” Việt Nam của Các công ty kiến trúc hàng đầu của Mỹ như SOM, HOK, AEDAS… bộ 3 công ty lớn nhất Nhật Bản NIKKEN SEIKEI, KUME SEIKEI, NIHON SEIKEI, công ty kiến trúc hàng đầu Úc PTW, Các công ty Singapore đến Việt Nam từ rất sớm như CPG, Ong&Ong…. Đọc Profile của họ, đều thấy những mô hình văn phòng đa quốc gia. Việt Nam chưa có mô hình tương tự, nói so sánh một cách không phù hợp, thì chúng ta lại có loại hình tổ chức thiết kế bao cấp mà thế giới ít tồn tại như các tổng công ty, viện thiết kế nhà nước cấp ngành và địa phương, hiện nay cũng đang cổ phần hóa, tự chủ kinh doanh và tự khẳng định trong kinh tế thị trường đầy cạnh tranh.
Công ty kiến trúc trước hết hình thành từ nỗ lực đam mê khẳng định mình của KTS sáng lập, mô hình doanh nghiệp dường như chỉ là cái xác hoạt động cho sự thể hiện tinh thần sáng tạo của nghề. Tuy nhiên, khái niệm đó ngày càng bị lung lay và dễ tổn thương trong một xã hội phát triển đòi hỏi sự cạnh tranh gay gắt. Vì vậy, việc nghiên cứu các mô hình kinh doanh (Business model) của doanh nghiệp kiến trúc là một đề tài cực kỳ cấp thiết mà bất cứ người lãnh đạo nào cũng cần suy nghĩ.
Nếu đặt chất lượng tác phẩm của một văn phòng kiến trúc dựa trên danh tiếng, chất xám, sự sáng tạo và linh hồn của vị KTS trưởng hay tập thể chuyên gia, thì sau khi nghỉ hưu hoặc bán lại giữa chừng, công ty sẽ còn giá trị gì? Thực tế là ít khi thấy một người doanh nghiệp xa lạ đến mua một doanh nghiệp kiến trúc đã hình thành văn hóa rất riêng. Khả thi nhất là những người trẻ hơn (thế hệ sau) mua lại kế thừa lại văn phòng từ người KTS về hưu như thường thấy.
Do đó, có thể kết luận mô hình Văn phòng KTS truyền thống như là mẫu hình của một tổ chức hành nghề cổ điển, mang tính đặc thù dựa trên năng lực cá nhân hoặc nhóm cá nhân sáng lập. Chính vì thế,đó chưa phải là một mẫu hình doanh nghiệp hoàn chỉnh để có thể phát triển diện rộng hay chuyển đổi sở hữu một cách dễ dàng.
Sự khác biệt trong khởi nghiệp kiến trúc
Vậy để tồn tại bền vững, một doanh nghiệp kiến trúc cần bắt đầu và đi lên như thế nào? Theo cách truyền thống và theo chiều xuôi của sự vận hành, thì hầu hết các công ty kiến trúc cũng bắt đầu khởi nghiệp theo cách cổ điển, tức là người KTS hoặc nhóm sáng lập tài năng, đủ độ chín, đã trưởng thành tự lập doanh nghiệp, có những khách hàng kế thừa từ quá trình hành nghề trước hay có những chủ đầu tư đầu tiên may mắn cùng tạo dựng những tác phẩm quan trọng trong thời kỳ định hình thương hiệu. Cũng như nhiều loại hình doanh nghiệp khác, 3 năm đầu tiên là khoảng thời gian quan trọng để một văn phòng hay công ty kiến trúc tồn tại với thương hiệu và bản sắc được nhận biết. Giai đoạn phát triển hoạt động ổn định có thể kéo dài thêm 3-5 năm sau đó, nhưng để suy nghĩ về một hình mẫu chuẩn mực và mô hình kinh doanh bền vững, mang tầm nhìn và năng lực phát triển lâu dài, thì các tổ chức bắt buộc phải suy nghĩ và điều chỉnh sau 5 năm đầu thành lập và sẽ gặp thách thức trong “bẫy trung bình” của tổ chức. Lấy ví dụ, mô hình kinh doanh kiến trúc phụ thuộc chủ đầu tư thân quen, phụ thuộc quan hệ xin – cho… là một trong những mô hình yếu kém và dễ bị tổn thương nhất… Các doanh nghiệp kiến trúc phải chỉ ra được các giá trị cốt lõi của doanh nghiệp mình, cũng như giá trị sáng tạo khác biệt trong phong cách hành nghề kiến trúc.
“Nói cách khác, khởi nghiệp kiến trúc đã khó, giữ được doanh nghiệp kiến trúc bền vững còn khó hơn!” Và, quay trở lại đoạn trích dẫn đầu bài, quả thật rất khâm phục những vị Giám đốc – KTS ở Việt Nam, vừa phải giỏi nghề, vừa phải giỏi lèo lái con thuyền doanh nghiệp trong một môi trường hành nghề còn nhiều lo toan, ưu phiền…
Khởi nghiệp kiến trúc trong kỷ nguyên số
Trong kỷ nguyên cách mạng số, thời kỳ của thương mại điện tử, khi mà tốc độ thông tin và cách thức giao tiếp đổi mới đã lấn sân đe dọa tất cả các lĩnh vực kinh doanh, thì kiến trúc không phải là một ngoại lệ. Mặc dù ngành nghệ thuật + kỹ thuật cổ xưa trên trái đất này vẫn còn đó những giá trị nguyên thủy của sự sáng tạo, chất nghệ sĩ hay những chuẩn mực kỹ thuật luôn cần thiết, nhưng cách tiếp cận, tìm kiếm khách hàng, sự thay đổi trong giao tiếp, tốc độ sản xuất và khả năng tương tác trong chuỗi quy trình thực hiện sản phẩm kiến trúc từ bản vẽ đến thực tế thật sự đã có rất nhiều sự thay đổi mang tính tiến bộ của thời đại.
Quả thật kiến trúc đã không còn cách làm kinh điển theo kiểu thi thiết kế, dùng nội lực sáng tạo cụ thể cho một đề bài để chứng minh, thuyết phục chủ đầu tư và dùng lợi nhuận chắt chiu từ chất xám để nuôi tổ chức hành nghề. Nhất là trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, nguồn nhân lực dư thừa, giá thiết kế phí thấp, đòi hỏi của khách hàng cao hơn khiến bài toán cân bằng chi phí lợi nhuận của nhiều đơn vị thiết kế dù giỏi nghề vẫn không cân đối – trụ vững nổi.
Kỷ nguyên số như một cứu cánh, cũng như một cuộc chơi mới, thay đổi các mô thức hành nghề truyền thống một cách bắt buộc, kể cả cho tổ chức cũ đã tồn tại và cho cả những KTS trẻ mới khởi nghiệp.
Khởi nghiệp kiến trúc tại Việt Nam giai đoạn hiện nay: Dễ và Khó
Vừa là khuyến khích vừa là chia sẻ với các KTS trẻ trên con đường tìm tòi hướng đi riêng, tôi sẽ lưu ý một số điểm mang đặc trưng bối cảnh Việt Nam
Thuận lợi:
– Nền kinh tế Việt Nam trẻ, dân số đông, lượng thu nhập trung bình ngày càng tăng cao đòi hỏi một nhu cầu lớn về các công trình đô thị, dịch vụ và nhà ở khổng lồ. Vì vậy, triển vọng phát triển thị trường là rất lớn trong vài thập niên tới;
– KTS trẻ Việt Nam với sự giúp đỡ của Internet và quá trình hội nhập quốc tế, với vốn sáng tạo và sự thông minh đã bắt đầu tiếp cận, nắm bắt những xu hướng mới của thế giới, tiệm cận nhanh trình độ khu vực ASEAN và châu Á;
– Các thị trường ngách cho KTS trẻ khởi nghiệp, nhất là trong các lĩnh vực nhà ở, nội thất và công trình nhỏ…
Bên cạnh đó, khó khăn cũng không ít:
– Tại Việt Nam, môi trường tri thức của xã hội với thái độ tôn trọng nghề kiến trúc chưa tốt, cũng chưa có dấu hiện cải thiện trong ngắn hạn. Kể cả 3 nhóm khách hàng lớn, đó là: Chủ đầu tư dự án nhà nước, chủ đầu tư bất động sản tư nhân và các khách hàng đơn lẻ. Thị hiếu thẩm mỹ cũng còn trong giai đoạn đình hình khiến cơ hội sáng tác các công trình kiến trúc sạch của KTS không nhiều. Giá thiết kế thấp và tỷ lệ ăn chia trong các công trình ngân sách là một rào cản trong việc minh bạch hóa hỗ trợ tinh thần khởi nghiệp kiến trúc
– Lượng KTS dư thừa do bùng phát các cơ sở đào tạo, dẫn đến lực lượng KTS trẻ ra trường đông về số lượng và kém về các kỹ năng nghề cũng như kỹ năng hỗ trợ hội nhập nghề trong các tổ chức chuyên nghiệp. Trong số đông, để tìm ra các gương mặt khởi nghiệp nghề xuất chúng sẽ là một điều khó;
– Công nghệ xây dựng ít đổi mới, giá thành suất đầu tư công trình thấp cũng không cho phép các KTS thay đổi được các phong cách và đổi mới giải pháp thiết kế.
– Chi phí cho việc thành lập doanh nghiệp đắt đỏ so với phí thiết kế, không có các vườn ươm khởi nghiệp dành cho lĩnh vực kiến trúc design khiến khả năng tự tạo dựng công ty đối với người trẻ là một rủi ro lớn.
– Những chuẩn mực và phong cách thiết kế tại Việt đang được định hình, trong đó rất nhiều những ví dụ dễ gây ảo tưởng cho KTS trẻ, khiến họ học theo mà không thấu hiểu, không lượng sức mình, đi vào một ngõ cụt hay tiếp cân nghề một cách không đúng…
Thay lời kết
Đổi mới sáng tạo (Innovation) luôn là động lực chính cho các tư tưởng khởi nghiệp (Start – up), và nền tảng công nghệ mới là công cụ hữu ích để cho các nhà kiến trúc khởi nghiệp (Archipreneur) chọn được lối đi riêng cho mình. Tôi tin rằng cơ hội vẫn còn đó cho tất cả mọi người, tuy nhiên sự mở rộng tầm nhìn ra thế giới và sự khao khát tìm kiếm, luôn xây dựng, điều chỉnh các mô hình kinh doanh (business model) phù hợp như một bản sắc riêng sẽ giúp các công ty kiến trúc tăng cường sức cạnh tranh và phát triển bền vững, khởi nghiệp bền vững!
Một số mô hình khởi nghiệp kiến trúc độc đáo trên thế giới
1. Thiết kế tiêu chuẩn hóa, đơn giản hóa, tính phí theo giờ, tiết kiệm chi phí và nhanh chóng cho khách hàng phổ thông.
2. KTS và nhà quản lý dự án cùng trải nghiệm trong vai trò chủ đầu tư, xác định tầm nhìn mới trong tư duy quản trị trọn gói quy trình đầu tư, thiết kế, xây dựng và vận hành.
3. Ứng dụng mô phỏng hóa từ bản vẽ 2D lên không gian 3D với các mẫu mô đun và thư viện chọn lựa. Kiến trúc kết hợp công nghệ trên nền tảng các App ứng dụng cho số đông người sử dụng.
4. Phối hợp chặt chẽ thẩm mỹ và kinh tế trong thiết kế
5. Trải nghiệm sống trong chính công trình do mình thiết kế, thi công.
6. Xây dựng các cộng đồng yêu kiến trúc, danh bạ KTS…
7. KTS như là một nhà phát triển sản phẩm kiến trúc và nội thất.
KTS Nguyễn Thu Phong
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 01-2017)