Lý do người Nhật tách riêng nhà tắm và nhà vệ sinh?
Nhà tắm và toilet của người Nhật luôn sạch sẽ và thậm chí, chúng được trang trí như một căn phòng nhỏ.
Về mặt công dụng, nhà tắm và toilet trên thế giới đâu đâu cũng như nhau, nhưng người Nhật – dân tộc ưa sạch sẽ bậc nhất – không những đã tách riêng không gian của 2 nơi này mà còn biến chúng từ nơi ít ai ngó ngàng trở thành “chốn thần tiên”.
Nhà tắm và toilet lại là không gian thư giãn trong căn nhà Nhật.
Tại sao người Nhật lại tách riêng nhà tắm và nhà vệ sinh?
Một khảo sát về nhà ở được tiến hành vào tháng 2 năm 2020 cho thấy khi mua hay thuê nhà, người Nhật không chỉ quan tâm đến hướng đón nắng mà còn yêu cầu nhà vệ sinh và nhà tắm phải là hai nơi riêng biệt. Vì sao lại như vậy? Có rất nhiều lý do được đưa ra để giải thích cho vấn đề này, sau đây là 4 lý do chính:
- Do không gian tách biệt nên sẽ không có chuyện một người đang đánh răng bị một người muốn đi vệ sinh hối thúc. Nếu bị gọi đúng lúc thư giãn trong bồn nước nóng thì còn gì là thiên đường nữa!
- Phòng bệnh, đặc biệt là những bệnh lây nhiễm do vi khuẩn có trong nhà vệ sinh gây ra.
- Bồn cầu hiện đại sử dụng như một thiết bị điện nên cần được để ở nơi khô ráo, tránh xảy ra sự cố đáng tiếc.
- Phòng tắm ẩm thấp sẽ làm nhũn giấy vệ sinh. Hơn nữa, nếu bồn cầu bị ẩm sẽ xuất hiện nấm mốc, gây mùi hôi khó chịu. Cả sàn nhà vệ sinh cũng ướt sũng nước và trơn trượt sau khi tắm.
Người Nhật thường chuộng tách riêng không gian nhà tắm và nhà vệ sinh.
Kỹ lưỡng là thế nhưng gần đây, nhiều người đang có xu hướng chuyển sang sử dụng Unit bath – nhà tắm và nhà vệ sinh gói gọn trong một không gian. Unit bath phù hợp với những người độc thân bận rộn, sau một ngày làm việc vất vả chỉ muốn nhảy ùm vào bồn mà không cần tắm qua vòi sen. Nhiều người Nhật ban đầu không thích loại nhà tắm kiêm toilet kiểu này, nhưng vì ưu điểm tiết kiệm không gian và thời gian dọn dẹp, Unit bath dần dần được sử dụng rộng rãi ở những căn hộ chung cư có diện tích khiêm tốn. Tuy nhiên, dù là loại hình nào đi chăng nữa, người Nhật cũng có cách để biến những nơi này thành một “chốn thần tiên” với đủ mọi tiện ích hỗ trợ.
Bồn cầu Nhật thường tích hợp nhiều chức năng và sử dụng điện.
Ofuro – “tắm” thôi chưa đủ
“Ofuro – お風呂” trong tiếng Nhật nghĩa là “bồn tắm”, hoặc dùng để chỉ nhà tắm, hay khu vực tắm rửa. Bước vào Ofuro, không khỏi có cảm giác như bước vào một ngôi nhà thu nhỏ, với “sảnh” là bồn rửa mặt, kệ giắt bàn chải còn bên trong mới là nơi tắm rửa. Cấu trúc nhà tắm của người Nhật gồm nơi kỳ cọ thân thể với vòi hoa sen và bồn tắm. Người Nhật có thói quen ngâm bồn, và đặc biệt là cả gia đình sẽ thay phiên nhau dùng chung bồn nước nóng ấy, vì vậy, để giữ cho nước luôn sạch sẽ, họ sẽ tắm rửa và kỳ cọ cơ thể ở ngoài trước, sau đó mới bước vào bồn tắm. Trung bình người Nhật dành ra từ 15 đến 20 phút ngâm mình, rũ bỏ mọi lo toan muộn phiền và tận hưởng không gian tĩnh tại trong Ofuro.
Để phòng tắm trở thành “thiên đường” thực thụ, ngoài nội thất bắt mắt cầu kỳ, máy nước nóng – lạnh với bảng điều khiển kèm theo nhiều chức năng ưu việt đã ra đời. Ngoài điều chỉnh nhiệt độ, hâm nóng nước tắm hay hẹn giờ xả nước vào bồn, loại máy ngày nay còn có tính năng đặc biệt, đó là “Ưu tiên” và “Gọi điện hỗ trợ.”
Nhà tắm chính là chốn thư giãn của người Nhật.
Ở Nhật, một máy nước nóng – lạnh hoạt động ở hai nơi: phòng tắm và bếp, mỗi nơi một bảng điều khiển. Khi máy nóng – lạnh ở nhà bếp khởi động trước, nguồn điện chỉ hoạt động trong phạm vi này. Vậy nếu bạn bỗng dưng muốn tắm nước nóng thì sao? Đó là nhấn nút “Ưu tiên (優先)”. Lúc này, dòng điện sẽ chuyển sang cung cấp cho nhà tắm để bạn tùy chỉnh nhiệt độ.
Còn với nút “Gọi điện hỗ trợ (呼び出し)”, chức năng này được sử dụng trong trường hợp người trong nhà tắm, đặc biệt là người cao tuổi bị mệt, hoa mắt, khó thở. Chỉ cần ấn nút này, nhà bếp sẽ nghe thấy tiếng chuông báo động, từ đó sẽ có người đến cứu giúp kịp thời. Các dòng máy hiện đại còn tích hợp Inter phone cho phép người trong phòng tắm gọi điện thoại cầu cứu ra bên ngoài.
Toilet được “trang hoàng” như một căn phòng nhỏ
Không hẳn là nơi “giải tỏa bức bách” đơn thuần, toilet Nhật nổi tiếng vì sự tiện nghi và hiện đại. Một vài nơi vẫn còn loại bồn cầu truyền thống, do giá rẻ và không cần lo lắng sự cố liên quan đến điện, nhưng lại không có chức năng tiện lợi như tự vệ sinh, làm ấm bệ ngồi, vòi xịt tự động với độ mạnh điều khiển được… Có thể thấy, loại bồn cầu điện hiện nay được đông đảo người Nhật ưa thích.
Nếu nhà tắm được xem là “nơi thanh tẩy tâm hồn” thì nhà vệ sinh chính là chỗ “sản xuất phế phẩm”. Bạn có tin không, ngự trị tại nơi không hề thanh tao như thế lại là một nữ thần xinh đẹp tên gọi Kawaya-gami. Nếu không muốn bị trừng phạt trở thành người xấu xí, người Nhật thường xuyên giữ toilet sạch sẽ, như một cách thể hiện lòng thành với Kawaya-gami.
(1) Tinh dầu; (2) Than hoạt tính; (3) Tháp muối Morijio.
Ngoài giữ gìn sạch đẹp, các gia đình còn dụng công trang trí, biến nhà vệ sinh thành “chốn thần tiên” thứ hai sau nhà tắm. Về việc này, người Nhật đặc biệt tin vào phong thủy. Tùy theo hướng toilet mà cách bài trí, màu sắc nội thất sẽ khác nhau. Người Nhật kỵ treo ảnh gia đình, bản đồ... trong toilet, vì không muốn gặp chuyện không may về tiền bạc, con cái học hành xuống dốc, vợ chồng lục đục. Muốn mọi chuyện hanh thông thuận lợi, đầu tiên phải sắm “Morijio (tháp muối trắng hình nón) đặt lên kệ hay góc toilet để tẩy trừ khí độc. Thật ra phong tục dùng muối thanh lọc ô uế và phòng tránh tai họa đã có từ ngàn xưa ở Nhật Bản. Các loại tinh dầu hay than hoạt tính cũng được dùng để mang lại không gian sạch sẽ, thơm tho.
Tiếp theo, gia chủ phải để riêng dép đi trong nhà và dép dùng trong nhà vệ sinh nhằm tránh việc mang các vi khuẩn từ nơi này ra bên ngoài. Bên cạnh dép lê, bất chấp bụi bẩn và vướng víu khi lau dọn, một số gia đình sẵn sàng trải thảm bên trong. Người Nhật cho rằng, thảm trải toilet, tấm lót đệm ngồi và nắp cầu sẽ hạn chế sự xâm nhập của những sinh vật có hại vào cơ thể, đồng thời giúp sàn nhà không biến thành “sân băng” vào mùa đông. Ngoài những vật dụng trên, người Nhật còn trang trí toilet bằng những chậu kiểng xinh xắn hoặc bức tranh phong cảnh, tạo nên một không gian xanh trong ngôi nhà của mình.